Đó là khu lưu niệm và đền thờ Tộc Phan, tọa lạc tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Tp HCM.
Thoạt kỳ thủy, đây là vùng đất hoang hóa thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, thời Nhà Nguyễn còn gọi là Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn. Chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, nơi đây chính là vùng đệm giữa quân Cách Mạng và lính VNCH. Năm 1968 đợt II chiến dịch Mậu Thân, 32 nữ dân công hỏa tuyến của Vĩnh Lộc đã hy sinh một cách bi hùng dưới họng súng của trực thăng Mỹ. 17 người trong số đó là con cháu họ Phan có tuổi đời từ 16 – 23.
Ngày 31 tháng 1 năm 1993 (mùng 9 tháng Giêng năm Quí Dậu). Lễ hội giổ Tổ Liên Tộc Phan Thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức tại Khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, số 9 Phan Thúc Duyện. Phường 4, Quận Tân Bình,TP.HCM. Cũng vào ngày này đã chính thức ra mắt Ban Trị Sự Liên Tộc Phan Tp.HCM. Đây chính là ý tưởng và sự nổ lực vì một họ Phan thống nhất trên cả nước, trước hết tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, thật ra trong thập niên 80 thế kỷ trước các chú, các bác ở ngã tư Bảy Hiền, Tân Bình đã có sự liên kết nhau trong họ Phan ở Quảng Nam, vì nghề dệt truyền thống nổi tiếng, vì tình đồng tộc đồng hương, đan xen nổi nhớ quê cha đất tổ bởi hoàn cảnh chiến tranh phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, dắt díu nhau tha phương cầu thực.
Sau đó lan tỏa ra các vùng phụ cận như Thủ Đức, Gò Vấp, Củ Chi, rồi đến Long An, Cần Thơ. Miền Trung thì có Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An… Những người có công đầu trong việc hình thành Liên Tộc Phan tại Tp. HCM, phải kể đến là các bác Phan Quang – gốc Phan Phước Tộc tại xã Điện Phong ; bác Phan Minh Nô – gốc Phan Minh, Phong Thử ; anh Phan Quang Đương – gốc Phan Quang Tiền, Phong Thử. Ngoài ra còn có các cô, bác thuộc các Tộc Phan – Đà Sơn ; Phan Bảo An ; Cô Phan Thị Kham Gốc Duy Xuyên…Tất cả đều là người Quảng Nam. Đến đầu những năm 90 lại có sự tham gia rất quan trọng của bác Phan Khắc Hy – gốc Phan Tùng Mai Hà Tĩnh , Anh Phan Văn Tín, anh Phan Chỉ – Thừa Thiên, Huế…
Sự tham gia nhiệt tình của bác Phan Khắc Hy, chính cái tâm và tầm của bác đã thúc đẩy những người họ Phan trên cả nước, đang sinh sống tại Tp. HCM và các vùng phụ cận ngày càng lại gần nhau hơn, trong tình cảm thiêng liêng của những người đồng tộc : “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã.”
Từ lễ hội 1993, Ban Trị Sự đã nhanh chóng đề ra phương hướng vận động kinh phí mua đất xây dựng đền thờ. Thời kỳ này Tp HCM trở thành trung tâm phát triển năng động nhất nước, kinh tế tư nhân được khuyến khích, người dân đã bắt đầu có của ăn của để và, việc đầu tiên khi no lòng, ấm áo là người ta nghĩ ngay đến ông bà, tiên tổ, nhất là người dân Quảng Nam. Những người con họ Phan cũng không ngoại lệ, vì thế việc vận động cũng không mấy khó khăn, ban đầu là Ban Trị sự, rồi đến bà con gần xa kẻ ít người nhiều ai nấy cũng đều hoan hỉ đóng góp. Đặc biệt các vị lãnh đạo cao cấp cũng hưởng ứng rất nhiệt tình như nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải, Thượng Tướng Phan Trung Kiên, riêng anh Ba Kiên luôn quan tâm đến tình hình phát triển của dòng tộc, hồi còn Tư Lệnh Thành phố, rồi Tư Lệnh Quân khu, dù bận mấy anh cũng thu xếp công việc để đến với bà con trong các dịp lễ hội. Sau này còn có sự tham gia ủng hộ của chú Sáu Dân, anh Phan Diễn, anh Phan Văn Dĩnh ( nguyên Thứ Trưởng thường trực Bộ Tài chánh, hiện nay là Hội Phó thường trực Phan Tộc Tp.HCM) Cố vấn Phan Xuân Biên …Chưa nói một số bà con Việt kiều và các doanh nhân nổi tiếng khác, kể cả những người ngoài họ Phan.
Đến năm 1995, việc vận động kinh phí đã tạm ổn, Ban Trị sự bắt đầu triển khai mua đất. Sau nhiều tháng chia nhau lặn lội khắp nơi từ nội thành đến ngoại ô, cuối cùng các bác chọn được khu đất đầy phèn rộng gần 1ha tại xã Vĩnh Lộc tương đối vừa ý như hiện nay, mua đất xong hỏi thăm người dân quanh vùng mới biết tại đây có rất nhiều bà con họ Phan sinh sống từ bao đời nay, nhất là ở Ấp 5, Ấp 6. Điển hình là gia tộc Chú Phan Tấn Thành, nguyên Bí Thư đầu tiên của quận Tân Bình sau 1975, theo phổ truyền ông là dòng dõi đời thứ 7 của Ngoại Hầu Hửu Quân Phó Tướng Phan Tấn Huỳnh, bên cạnh Tả Quân Lê Văn Duyệt,Trấn thủ thành Gia Định thời Gia Long, năm 1822 được phong chức tổng binh trấn Phiên An ( tức là Sài Gòn – Chợ Lớn, Bình Chánh, Long An, Củ Chi, Tây Ninh, Bình Phước ngày nay.) Hiện Chú Phan Tấn Thành Nguyên là Hội Phó Phan Tộc Tp. HCM. Các con ông như Phan Tấn Lực Là Chủ Tịch UBND quận Tân Phú, Thiếu Tướng Phan Tấn Tài – Tư Lệnh Phó Quân Khu 7, tuy đương chức nhưng các anh cũng rất nhiệt tình với Tộc họ. Ly kỳ hơn nữa là khu đất này theo các cụ cao niên kể lại trong thời chiến tranh có một ngôi miếu thờ của họ Phan, từng là trạm giao liên của các cánh quân miền Đông Nam bộ, về sau đã bị bom đạn tàn phá sập đổ.
Có đất rồi thì việc vận động tiền xây dựng đền thờ cũng khá thuận tiện, từ giữa năm 1995 khởi công thì đầu năm 1996 đã hoàn tất. Đúng ngày 10.3.1996 tức 21 tháng Giếng năm Bính Tý, Lễ hội giổ Tồ lần đầu tiên được long trông tổ chức tại đền thờ mới ở ấp 5 xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP. HCM . Đây là sự kiện đáng ghi nhớ nhất sau gần 10 năm từ 1987 đến 1996, từ việc các chi tộc mời họp mặt thân mật đầu xuân hằng năm, giao lưu tìm hiểu Tông Chi Cội Nguồn của Họ Phan trên cả nước, xuất phát từ tâm nguyện của các bậc cha, ông lúc ấy, và có lẽ cũng là Di nguyện của Tiền Nhân, khao khát một NHẤT THỂ PHAN TỘC VIỆT NAM mà ngày nay sau bao công khó, gian nan mới dần hình thành. Cũng từ đây mọi hoạt động Tộc sự dần đi vào nề nếp, Chi Tộc các tỉnh thành bắt đầu liên lạc về TP. HCM, các nguồn thông tin được kết nối, các Phả hệ được đối chiếu. Mặc nhiên nơi đây trở thành trung tâm hội tụ họ Phan phía Nam, kể cả Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, tức là từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Đắc lăk, Cà Mau.
(Nguồn : st)
(Ngày 12/12/2009, Hội Đồng Trị Sự đã bầu lại thành phần nhân sự của Hội Đồng Phan Tộc TP HCM nhiệm kỳ III, 2010 – 2015, đồng thời phân công ông Phan Quang Đương, Phan Doãn Ngọc, Phan Như Phương, Phan Phúc chịu trách nhiệm thiết kế, xây dựng NHÀ LƯU NIỆM, BẢO TÀNG DANH NHÂN HỌ PHAN VIỆT NAM. Dưới sự thẫm định của Thường Trực HĐPT – Tp.HCM, có tính đến cảnh quan, công viên xanh phù hợp với tiêu chí của Khu Công Nghiệp, biến nơi đây thành trung tâm giao lưu Văn Hóa Dòng Tộc Phía Nam. Đáp ứng yêu cầu phát triển Đời Sống Văn Hóa trong cộng đồng dân cư mà MTTQVN đã đề ra.
Nay Bác Phan Thanh Nam là Chủ tịch Họ Phan Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay tại đây ngoài Linh Vị của Thượng Thế Thủy Tổ Phan Tây Nhạc, Thủy Tổ Phan Hách, Phan Công Thiên và gần 40 bài vị các ngài Tiền Hiền của các chi Tộc Phan khắp nơi đưa về thờ phụng. Còn có di ảnh tôn vinh các vị danh nhân họ Phan qua các thời đại lịch sừ của dân tộc như : Phan Tấn Huỳnh, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (cùng các vị là bạn đồng liêu, cùng chí hướng như Nguyễn Sinh Sắc, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…) Các vị có công với nước với dân như : Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống), Đinh Đức Thiện ( Phan Đình Dinh), Vỏ Văn Kiệt (Phan Văn Hòa)…)